avatart

khach

icon

Tiền dự trữ là gì? Vai trò của tiền dự trữ trong hoạt động ngân hàng

Thị trường tài chính

- 13/07/2021

0

Thị trường tài chính

13/07/2021

0

Tiền dự trữ là khái niệm quen thuộc trong lĩnh vực kinh tế, cụ thể là lĩnh vực tài chính ngân hàng. Đây là một bộ phận nằm trong dự trữ pháp định của các ngân hàng thương mại.

Mục lục [Ẩn]

Tiền dự trữ là gì?

Tiền dự trữ (tiếng Anh là Reserve currency) là số tiền (tiền giấy và tiền kim loại) mà các ngân hàng thương mại giữ lại để đáp ứng yêu cầu chi trả tiền mặt hàng ngày cho những khách hàng đến rút tiền. 

Mục đích của tiền dự trữ là đảm bảo khả năng thanh toán toàn bộ các khoản nợ phát sinh, toàn bộ các khoản chi trả, chi tiêu và cho vay thường xuyên của ngân hàng. Từ đó tránh tình trạng dự trữ quá ít hoặc quá nhiều.

Bản chất của tiền dự trữ là:

  • Khoản tiền dự trữ là tài sản của ngân hàng thương mại, nhưng lại là khoản nợ của ngân hàng trung ương.
  • Các ngân hàng thương mại có thể yêu cầu thanh toán tiền dự trữ bất cứ lúc nào và ngân hàng trung ương buộc phải thực hiện các trách nhiệm nợ của mình bằng cách thanh toán các giấy bạc của ngân hàng trung ương.
  • Khi tiền dự trữ được tăng thêm tại các ngân hàng thương mại chính là cơ sở để ngân hàng thương mại tạo ra tiền gửi séc. 

Phân loại tiền dự trữ

Tiền dự trữ là tiền mà các NHTM giữ lại

Phân loại tiền dự trữ

Trong hệ thống ngân hàng, tiền dự trữ được phân loại căn cứ theo nhiều yếu tố. 

Căn cứ vào yêu cầu dự trữ

Dựa theo yêu cầu dự trữ, tiền dự trữ của các ngân hàng thương mại được phân thành 2 loại như sau:

Tiền dự trữ bắt buộc (hay dự trữ pháp định)

Tiền dự trữ bắt buộc (tiếng Anh là reserve requirements) là loại tiền dự trữ mà ngân hàng trung ương yêu cầu các ngân hàng thương mại phải lưu giữ lại. Hay nói cách khác đây là tỷ lệ phần trăm tiền gửi mà các ngân hàng thương mại buộc phải giữ làm dự trữ theo yêu cầu của ngân hàng trung ương. 

Số tiền dự trữ bắt buộc trong kỳ sẽ được tính bằng số dư tiền gửi bình quân ngày (của kỳ này hoặc kỳ trước ) nhân (x) với tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Trong đó: Số dư tiền gửi bình quân = Tổng số dư tiền gửi từng ngày trong kỳ / Số ngày dương lịch trong kỳ

Trong hoạt động tín dụng của ngân hàng, tiền dự trữ bắt buộc gồm VND và ngoại tệ, cụ thể: 

  • Tiền gửi của kho bạc Nhà nước
  • Tiền gửi của khách hàng trong và ngoài nước: tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn thuộc loại phải dự trữ bắt buộc, tiền gửi vốn chuyên dùng, tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn...
  • Tiền thu được từ việc phát hành giấy tờ có giá

Tất cả các loại tiền gửi này sẽ được theo dõi trên tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng thương mại tại ngân hàng Nhà nước (tài khoản tiền gửi thanh toán).

Đối với tỷ lệ tiền dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra quy định cụ thể cho từng loại tiền gửi nội tệ hoặc ngoại tệ. Theo đó, Quyết định 379/QĐ-NHNN quy định về Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam và Quyết định số 74/QĐ-NHNN điều chỉnh dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ áp dụng cho các tổ chức tín dụng như sau:

Dự trữ bằng VNĐ/Dự trữ bằng ngoại tệ Tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Đối với tiền gửi bằng VNĐ
Tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng bằng đồng Việt Nam 3% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc
Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn, Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, ngân hàng hợp tác 1% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc
Đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên bằng đồng Việt Nam 1% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc
Đối với tiền gửi bằng ngoại tệ
Đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng bằng ngoại tệ:
Các ngân hàng thương mại Nhà nước (không bao gồm Ngân hàng NN&PTNT), ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

4% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc.

Ngân hàng NN&PTNT, Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, ngân hàng hợp tác 3% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc.
Đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên bằng ngoại
Các ngân hàng thương mại Nhà nước (không bao gồm ngân hàng NN&PTNT), ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính 2% trên tổng số dư tiền phải dự trữ bắt buộc.
Ngân hàng NN&PTNT, Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, ngân hàng hợp tác 1% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc

Qua bảng trên ta thấy, tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao hay thấp phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hay dài hạn, loại hình tổ chức tín dụng và loại đồng tiền. 

Tuy nhiên, theo Thông tư số 30/2019/TT-NHNN sẽ có 03 trường hợp tổ chức tín dụng không cần dự trữ bắt buộc. Cụ thể:

  • Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt: thời gian không thực hiện dự trữ là từ tháng tiếp theo tháng tổ chức tín dụng đó bị Ngân hàng Nhà nước quyết định đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, đến hết tháng được chấm dứt kiểm soát đặc biệt;
  • Tổ chức tín dụng chưa khai trương hoạt động không thực hiện dự trữ bắt buộc cho đến hết tháng tổ chức tín dụng khai trương hoạt động;
  • Tổ chức tín dụng được chấp thuận giải thể hoặc có quyết định mở thủ tục phá sản hoặc có quyết định thu hồi Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền: Thời gian không thực hiện dự trữ là từ tháng tiếp theo tháng tổ chức tín dụng được chấp thuận giải thể hoặc quyết định mở thủ tục phá sản, thu hồi Giấy phép có hiệu lực.

Có thể thấy, duy trì tiền dự trữ bắt buộc là điều cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền vào ngân hàng đồng thời bảo đảm cho NHNN có thể điều chỉnh được khả năng tạo tiền của các NHTM nhằm thực thi chính sách tiền tệ của mình.

Tiền dự trữ bắt buộc

Tiền dự trữ bắt buộc áp dụng cho cả VNĐ và ngoại tệ

Tiền dự trữ vượt mức (hay còn gọi là dự trữ thặng dư)

Tiền dự trữ vượt mức là loại tiền dự trữ vượt trên mức dự trữ bắt buộc theo quy định của ngân hàng trung ương. 

Thông thường loại tiền dự trữ này nhằm đảm bảo khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại, bảo đảm chi trả thường xuyên cho các khách hàng có nhu cầu rút tiền mặt tại ngân hàng thương mại.

Tiền dự trữ vượt mức của các ngân hàng thương mại bao gồm 2 loại:

  • Tiền mặt được lưu giữ tại các ngân hàng thương mại để giao dịch hàng ngày với khách hàng.
  • Tiền gửi thanh toán của ngân hàng thương mại tại ngân hàng trung ương nhằm làm phương tiện thanh toán của các khách hàng qua ngân hàng trung ương.

Đặc điểm nổi bật của loại tiền dự trữ vượt mức là:

- Tiền dự trữ vượt mức do các ngân hàng thương mại tự quyết định mà không có tính bắt buộc của ngân hàng trung ương.

- Các ngân hàng thương mại luôn phải duy trì tiền dự trữ vượt mức ở mức độ hợp lý nhất để tránh 2 hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra:

  • Nếu duy trì tiền dự trữ vượt mức ít có thể gặp rủi ro về khả năng thanh khoản
  • Nếu duy trì tiền dự trữ vượt mức quá lớn thì có thể làm giảm lợi nhuận của ngân hàng do giảm các khoản cho vay và đầu tư.

Căn cứ vào cấp độ dự trữ

Căn cứ vào cấp độ dự trữ, tiền dự trữ sẽ được phân thành 2 loại sau đây:

- Tiền dự trữ sơ cấp (cấp 1): Là loại tiền dự trữ bao gồm tiền mặt và tiền gửi ngân hàng khác để đáp ứng những nhu cầu thanh toán thường xuyên, hàng ngày tại ngân hàng.

- Tiền dự trữ thứ cấp (cấp hai) bao gồm các khoản dự phòng bằng chứng khoán, thỏa mãn:

  • An toàn: chứng khoán phải chắc chắn được thanh toán khi đến hạn (như chứng khoán Chính phủ)
  • Thời gian đáo hạn ngắn (dưới 1 năm)
  • Có tính thanh khoản cao, dễ mua bán, dễ chuyển đổi ra tiền (chiết khấu, tái chiết khấu, bán trên thị trường ...) với chi phí thấp

Dự trữ thứ cấp nằm trong khoản mục đầu tư sẽ được tính bằng công thức sau:

Dự trữ thứ cấp = tỷ lệ dự trữ thứ cấp x khoản mục đầu tư

Hoặc:

Dự trữ thứ cấp = tỷ lệ thanh khoản x tổng nguồn vốn huy động 

Căn cứ vào hình thái tồn tại

  • Tiền gửi không kỳ hạn: Khoảng 60% - 70% được sử dụng cho dự trữ sơ cấp, phần còn lại được đưa vào kinh doanh (chủ yếu là cho vay ngắn hạn).
  • Nguồn vốn huy động có kỳ hạn: là loại tiền gửi ổn định có mức độ an toàn cao nên phần dự trữ cho loại tiền gửi này tương đối thấp và chủ yếu là cho vay trung hạn.
  • Vốn điều lệ và các quỹ: có tính ổn định rất lớn, được sử dụng để mua sắm tài sản cố định, thiết bị, dụng cụ phục vụ cho hoạt động kinh doanh, hùn vốn, liên doanh... nhu cầu dự trữ cho nguồn vốn này là không cần thiết.

Phương pháp quản lý tiền dự trữ

Trong hoạt động của hệ thống ngân hàng, số tiền dự trữ được quản lý cơ bản theo 3 phương pháp sau:

Phương pháp phong tỏa hoàn toàn

Tức là toàn bộ số tiền dự trữ bắt buộc sẽ được Ngân hàng Nhà nước quản lý tại một tài khoản riêng biệt, số tiền này các ngân hàng thương mại không được sử dụng và không được hưởng lãi.

Phương pháp bán phong tỏa

Tức là một phần dự trữ bắt buộc sẽ được quản lý như trên tại ngân hàng Nhà nước, phần còn lại được quản lý tại ngân hàng thương mại đó dưới hình thức như tiền mặt, tiền gửi, các chứng khoán có tính thanh khoản cao. Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm tra tình hình dự trữ của các ngân hàng thương mại tại các khoản mục trên theo định kỳ. 

Phương pháp không phong tỏa

Nghĩa là toàn bộ số tiền dự trữ bắt buộc sẽ được quản lý tại Ngân hàng thương mại dưới hình thức tiền gửi, tiền mặt, đầu tư chứng khoán và định kỳ ngân hàng nhà nước sẽ kiểm tra.

Vai trò của tiền dự trữ trong hệ thống ngân hàng

Trong hoạt động của hệ thống ngân hàng, tiền dự trữ có vai trò rất quan trọng. Cụ thể:

Đảm bảo cho hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả

Để đảm bảo cho hệ thống ngân hàng hoạt động có hiệu quả thì cần phải quản lý tiền dự trữ. Ngân hàng trung ương là ngân hàng sẽ thực hiện chức năng quản lý tiền dự trữ. Để các ngân hàng thương mại không bị rơi vào tình trạng khủng hoảng, ngân hàng trung ương sẽ quy định một tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại. Ngoài ra các ngân hàng thương mại cũng phải dự trữ vượt mức một khoản tiền để đảm bảo khả năng thanh toán của ngân hàng. 

Bởi vậy, quản lý tiền dự trữ ngoài việc tạo sự an toàn và hiệu quả trong hoạt động của hệ thống ngân hàng thì còn kiểm soát được khối lượng tiền trong nền kinh tế. 

Quản lý khả năng tiền mặt trong hệ thống ngân hàng

Trong hoạt động tín dụng và thanh toán, quản lý khả năng tiền mặt là nghiệp vụ nhằm duy trì khả năng thanh khoản của các ngân hàng để đáp ứng nhu cầu rút tiền và thanh toán thường xuyên của khách hàng. Và điều này hoàn toàn được thực hiện khi có tiền dự trữ.

Ngoài ra, tiền dự trữ còn giúp thực hiện chức năng kiểm tra tính toán số dư phù hợp với nhu cầu tính toán của các ngân hàng thương mại và nhu cầu của ngân hàng trung ương như tính toán tiền mặt tại két tiền gửi của ngân hàng trung ương… 

Vai trò kiểm soát tiền tệ

Tiền dự trữ đặc biệt là dự trữ bắt buộc có ảnh hưởng rất lớn đến kiểm soát tiền tệ. Theo đó, dự trữ bắt buộc sẽ tăng cường sự kiểm soát của ngân hàng trung ương đối với quá trình cung ứng tiền tệ. Chính tỷ lệ phần trăm của số tiền gửi được giữ lại làm tiền dự trữ là một nhân tố quyết định của số nhân tiền tệ, cho nên nó cũng quyết định đến sự phản ứng của cung tiền đối với sự thay đổi trong cơ số tiền. Chính việc kiểm soát tỷ lệ dự trữ tiền gửi qua dự trữ bắt buộc làm cho số nhân tiền ổn định và cung tiền trở nên dễ kiểm soát hơn đối với ngân hàng trung ương. 

Tiền dự trữ là công cụ quản lý tiền tệ của ngân hàng trung ương

Ngân hàng trung ương sử dụng tiền dự trữ bắt buộc để tác động đến lượng tiền cung ứng theo phương diện:

- Tỷ lệ dự trữ bắt buộc tác động đến cơ chế tạo tiền gửi của các ngân hàng thương mại. Từ lượng tiền dự trữ ban đầu, hệ thống ngân hàng thương mại có thể tạo ra một lượng tiền gửi lớn gấp nhiều lần. Nếu ngân hàng trung ương quyết định tăng hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ làm cho hệ số tạo tiền thu hẹp hoặc tăng lên. 

Ví dụ: Nếu tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 10%, thì với một lượng tiền dự trữ ban đầu, hệ thống ngân hàng thương mại tạo ra một lượng tiền gửi lớn gấp 10 lần. Nếu tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng lên 20% thì lượng tiền gửi mới do ngân hàng thương mại tạo ra tăng 5 lần; nếu dự trữ bắt buộc giảm xuống 5% thì, lượng tiền gửi mới do hệ thống ngân hàng thương mại tạo ra tăng 20 lần…

- Tỷ lệ dự trữ bắt buộc tác động đến lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại. Theo quy định, tiền dự trữ bắt buộc đều phải mở tài khoản và gửi ở ngân hàng trung ương và không được hưởng lãi. Vì vậy, khi mức dự trữ tăng lên, các ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất cho vay, lúc này khả năng cho vay của các ngân hàng thương mại sẽ giảm xuống và theo đó lượng tiền cung ứng cũng giảm xuống. Còn khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm xuống, các ngân hàng thương mại có cơ hội giảm lãi suất cho vay, từ đó tăng khả năng cho vay của các ngân hàng thương mại và lượng tiền cung ứng sẽ tăng lên.

tiền dự trữ trong hoạt động ngân hàng

Tiền dự trữ có vai trò quan trọng trong hoạt động của các ngân hàng thương mại

Ổn định và điều tiết lạm phát

Trong sự phát triển của nền kinh tế nói chung và hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng nói riêng, tiền dự trữ nói chung và dự trữ bắt buộc nói riêng có thể điều khiển lạm phát, khôi phục hoạt động kinh tế trong trường hợp nền kinh tế phát triển chưa ổn định. Cụ thể:

- Khi lạm phát cao, ngân hàng trung ương sẽ tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc khiến khả năng cho vay và khả năng thanh toán của các ngân hàng bị thu hẹp. Điều này khiến khối lượng tín dụng trong nền kinh tế giảm (cung tiền giảm), làm cho lãi suất tăng, đầu tư giảm do đó tổng cầu giảm và làm cho giá giảm, tức tỷ lệ lạm phát giảm.

- Nếu ngân hàng trung ương giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì cung về tín dụng của các ngân hàng thương mại tăng lên, khối lượng tín dụng (cung tiền tăng) và khối lượng thanh toán cũng có xu hướng tăng dẫn tới lãi suất giảm, đồng thời tăng xu hướng mở rộng khối lượng tiền. Việc tăng cung tiền sẽ dẫn tới tăng giá, tức là tỷ lệ lạm phát tăng.

Tuy nhiên, tiền dự trữ cũng có những sự nhạy cảm trong nền kinh tế. Theo đó:

- Chỉ cần một sự thay đổi nhỏ trong tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng sẽ làm cho khối lượng tiền tăng lên rất lớn khó kiểm soát.

- Khi sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc để kiểm soát cung ứng tiền tệ như tăng dự trữ bắt buộc có thể dẫn đến khả năng thanh khoản ngay đối với một ngân hàng có dự trữ vượt mức quá thấp.

- Việc thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc không ngừng cũng gây nên tình trạng không ổn định cho các ngân hàng.

Bởi vậy, trên thế giới, sử dụng công cụ tiền dự trữ hay dự trữ bắt buộc để kiểm soát cung tiền tệ qua đó kiểm soát lạm phát rất ít được sử dụng, đặc biệt là những nước có nền kinh tế ổn định hoặc phát triển.

Quá trình kiểm tra tình hình dự trữ bắt buộc trong hệ thống ngân hàng

Trong hoạt động của hệ thống ngân hàng, ngân hàng nhà nước sẽ thực hiện việc kiểm tra tình hình dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại. Quá trình kiểm tra được thực hiện theo trình tự như sau:

- Các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện trách nhiệm gửi báo cáo “số dư tiền gửi huy động bình quân” của kỳ xác định dự trữ bắt buộc làm cơ sở tính toán tiền dự trữ bắt buộc của kỳ duy trì dự trữ bắt buộc cho chi nhánh ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh/thành phố nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở.

- Ngân hàng Nhà nước tiến hành kiểm tra dự trữ bắt buộc bằng cách so sánh hai số liệu:

  • (1) Số tiền phải duy trì dự trữ bắt buộc của ngày, tháng năm này
  • (2) Số dư bình quân của TK tiền gửi thanh toán (TK tiền gửi không kỳ hạn – 1113) tại Ngân hàng Nhà nước ngày, tháng năm trước. 

=> Nếu (1) = (2) nghĩa là ngân hàng dự trữ đủ

=> Nếu (1) < (2): Nghĩa là ngân hàng dự trữ thừa. Phần dự trữ vượt mức này ngân hàng sẽ được hưởng lãi theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn.

=> Nếu (1) > (2): Nghĩa là ngân hàng dự trữ thiếu. Lúc này ngân hàng thương mại sẽ bị phạt theo quy định của ngân hàng Nhà nước. Mức phạt được quy định như sau:

- Thiếu dự trữ bắt buộc lần đầu trong năm sẽ bị phạt theo hình thức cảnh cáo. 

- Nếu thiếu lần thứ hai trở đi trong năm thì bị phạt bằng tiền phần thiếu đối với hội sở chính của Ngân hàng thương mại. Cụ thể: 

  • Phần thiếu dự trữ bắt buộc bằng VND: Mức phạt = lãi suất tái cấp vốn của NHNN x 150% x phần chênh lệch dự trữ thiếu.
  • Phấn thiếu dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ: Mức phạt = lãi suất SIBOR kỳ hạn 3 tháng của USD x 150% x phần chênh lệch dự trữ thiếu.

Khi ngân hàng thương mại thiếu tiền dự trữ, ngân hàng trung ương có thể cung cấp tiền dự trữ cho ngân hàng thương mại bằng nhiều cách khác nhau như:

  • Cho vay chiết khấu: Giúp ngân hàng thương mại tăng tiền dự trữ và tăng lượng tiền vay của ngân hàng trung ương
  • Mua chứng khoán từ các ngân hàng thương mại

Giải đáp một số câu hỏi liên quan đến tiền dự trữ

Cầu tiền dự phòng là gì?

Cầu tiền dự phòng hay còn gọi là nhu cầu về tiền để dự phòng (tiếng Anh là precautionary demand for money) là nhu cầu về số dư tiền tệ của các cá nhân và doanh nghiệp nhằm đối phó với tính bất định của các giao dịch kinh tế như những tình huống bất trắc không thể dự đoán được trong tương lai. 

Cầu tiền dự phòng phụ thuộc vào quy mô thu nhập, tính sẵn có của các loại tín dụng và lãi suất. Theo đó, thu nhập nhiều hơn, nhu cầu về tiền để dự phòng sẽ tăng lên. Còn khi tín dụng càng sẵn sàng (như hạn mức tín dụng của thẻ tín dụng trở nên cao hơn), thì càng ít cần phải giữ số dư tiền để đề phòng. 

Tiền gửi dự trữ bắt buộc có được hưởng lãi?

Lãi tiền gửi dự trữ bắt buộc được quy định rõ trong Quyết định  1349/QĐ-NHNN về mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại NHNN Việt Nam do ngân hàng nhà nước ban hành. Theo đó, mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc như sau:

  • Đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam: 0,5%/năm
  • Đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ: 0%/năm. 
  • Đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam: 0%/năm.
  • Đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ: 0,05%/năm.

Tiền tệ dự trữ quốc tế là như thế nào?

Tiền tệ dự trữ quốc tế thực chất được hiểu là dự trữ ngoại hối. Đây là lượng ngoại tệ mà ngân hàng trung ương hoặc cơ quan hữu trách về tiền tệ của một quốc gia hay lãnh thổ nắm giữ. Ngoài ra, đây là một loại tài sản của Nhà nước được cất giữ dưới dạng ngoại tệ như đôla Mỹ, Euro, Yên Nhật… nhằm mục đích thanh toán quốc tế hoặc hỗ trợ giá trị đồng tiền quốc gia.

Tình hình tiền dự trữ của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam

Với những biến động kinh tế đầu năm 2020, tiền dự trữ của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam cũng có nhiều thay đổi. Ngoài ra những quy định mới từ Ngân hàng Nhà nước cũng có nhiều tác động đến hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại.

Tiền gửi dự trữ của các ngân hàng tại Ngân hàng Nhà nước giảm

Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 25 ngân hàng, 6 tháng đầu năm 2020 tổng lượng tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước đạt khoảng 233.887 tỷ đồng. So với cuối năm 2019, con số này đã giảm 27%.

Trong số các ngân hàng, Vietcombank là ngân hàng có lượng tiền gửi tại NHNN lớn nhất với 72.917 tỷ đồng, gấp đôi mức ghi nhận vào cuối năm 2019. Trong khi đó, đầu năm 2020 hai ngân hàng lớn khác là BIDV và Vietinbank lại rút mạnh tiền gửi tại ngân hàng Nhà nước. Theo đó:

  • BIDV đã rút 79% lượng tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước, chỉ để lại 28.062 tỷ đồng.
  • VietinBank đã rút 48% lượng tiền gửi, chỉ còn lại 12.878 tỷ đồng. 

Về phía các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lượng tiền gửi cao nhất thuộc về ACB với 20.814 tỷ đồng (thời điểm 30/6/2020), con số này gấp 2 lần cuối năm 2019. Tiếp đến là Sacombank vượt 10.000 tỷ đồng.

Ngoài những ngân hàng gia tăng lượng tiền gửi dự trữ thì 6 tháng đầu năm 2020, ghi nhận 18 ngân hàng có sự sụt giảm lượng tiền dự trữ tại Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể:

  • Ngân hàng ABBank từ hơn 6.800 tỉ đồng xuống hơn 1.280 tỉ đồng (giảm 81% - đây là ngân hàng giảm mạnh nhất)
  • Ngân hàng LienVietPostBank giảm 72%
  • Ngân hàng MSB giảm 70%
  • Ngân hàng BacABank giảm 48%.

Tiền dự trữ của Việt Nam

Tiền gửi dự trữ tại Ngân hàng Nhà nước của các ngân hàng. (Nguồn ảnh: báo Kinh tế và Tiêu dùng) 

Thống kê cho thấy, đến cuối tháng 6/2020, lượng tiền gửi dự trữ của ba ngân hàng trong nhóm Big4  tại Ngân nhà Nhà nước đạt khoảng 113.857 tỷ đồng, chiếm gần 49% tổng tiền gửi của 25 ngân hàng được thống kê.

Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc

Mới đây Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo về việc giảm lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND. Theo đó:

  • Lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng giảm xuống 0,5%/năm.
  • Lãi suất tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam tại NHNN bằng VND là 0,8%/năm

Theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Ngân hàng Nhà nước chia sẻ trên chuyên trang tài chính Người đồng hành, đây là động thái nằm trong định hướng giảm lãi suất điều hành nhằm phù hợp với diễn biến thị trường hiện nay. Sự thay đổi này cũng sẽ tác động giảm các loại lãi suất khác trên thị trường, trong đó hướng đến việc hạ lãi suất và thúc đẩy các ngân hàng đưa vốn ra nền kinh tế. 

Đánh giá về việc hạ lãi suất nói trên, Tiến sĩ tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho hay, việc hạ lãi suất nói trên là hành động để thúc đẩy sự hỗ trợ của tổ chức tín dụng đến khách hàng và đưa tiền ra thị trường trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang có những tác động đến hoạt động doanh nghiệp như hiện nay. Đặc biệt, hạ lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là phù hợp trong bối cảnh ngân hàng đang cho vay ra ít, trong khi lượng tiền gửi lớn. 

Ngoài ra, đây cũng là động thái và tín hiệu để các ngân hàng giảm lãi suất huy động về mức thấp, khi không có áp lực hút tiền gửi, hướng đến giảm lãi suất cho vay. 

Còn theo TS. Quách Mạnh Hào cho hay, việc hạ lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của ngân hàng nhà nước sẽ dẫn tới 2 hệ quả:

  • Hệ thống ngân hàng sẽ nhận ít lãi hơn từ tiền gửi dự trữ bắt buộc. Nhưng hệ quả này không ảnh hưởng nhiều bởi các ngân hàng có thể điều chỉnh quy mô lượng dự trữ bắt buộc.
  • Lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc tiếp tục bằng không, sẽ khuyến khích ngân hàng cho vay nhiều hơn. 

Ông Hào cho rằng, quyết định của Ngân hàng Nhà nước phản ánh thực tế hệ thống ngân hàng đã “huy động quá nhiều mà không cho vay được”. Đồng thời quyết định này cho thấy, Ngân hàng Nhà nước không còn nhiều lựa chọn và đã sử dụng gần hết những công cụ đang có. 

Trong khi đó theo một số lãnh đạo ngân hàng, việc hạ lãi suất các khoản tiền gửi tại ngân hàng Nhà nước chỉ là động thái giảm chi cho ngân sách, vì bên phải trả lãi suất cho lượng tiền gửi dự trữ bắt buộc là ngân hàng nhà nước. 

Có thể thấy tiền dự trữ là một trong những khoản tiền đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tín dụng và thanh toán của hệ thống ngân hàng. Yếu tố này có sự tác động lớn đến các yếu tố kinh tế khác. Chính sách và có cơ chế quản lý các loại tiền dự trữ của ngân hàng trung ương có hiệu quả lớn cho sự biến đổi các hoạt động của toàn bộ hệ thống ngân hàng và nền kinh tế đất nước. Sự biến đổi xấu hay tốt sẽ phụ thuộc vào chính sách và cơ chế quản lý hệ thống dự trữ đối với tình hình kinh tế thực tế của một quốc gia.


Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây


Theo thị trường tài chính Việt Nam

Đánh giá bài viết:

(0 lượt)

(0 lượt)

Bài viết có hữu ích không?


Tư vấn miễn phí

Bạn chưa đồng ý với chúng tôi


Bình luận

Hãy hoặc Tạo tài khoản để gửi bình luận
Nội quy: Bình luận có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu.
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Gửi bình luận
bình luận
Mới nhất
Xem thêm

SO SÁNH QUYỀN LỢI BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Họ và tên *

Email *

Số điện thoại *

Tỉnh/Thành phố *