Thẻ tín dụng phụ là gì? Cách làm thẻ tín dụng phụ để hưởng nhiều ưu đãi
Mục lục [Ẩn]
Thẻ tín dụng đang được sử dụng ngày càng phổ biến trong các thanh toán chi tiêu, mua sắm. Hiện nay, khách hàng khi mở thẻ tín dụng tại các ngân hàng có thể được mở thêm thẻ phụ cho người thân trong gia đình.
Vậy thẻ tín dụng phụ là gì? Làm sao để mở thẻ tín dụng phụ?
Thẻ tín dụng phụ là gì?
Thẻ tín dụng phụ là thẻ do chủ thẻ chính đăng ký phát hành tại ngân hàng cho người thân sử dụng, thẻ này được sử dụng chung hạn mức với thẻ chính. Thẻ tín dụng phụ sẽ có số tài khoản riêng biệt, nhưng toàn bộ trách nhiệm về trả nợ vẫn thuộc về chủ thẻ chính. Thẻ tín dụng phụ được mở sau thẻ chính, người sử dụng thẻ tín dụng phụ phải chịu sự kiểm soát hoàn toàn của thẻ chính.
Thẻ tín dụng phụ là gì
Hạn mức thẻ tín dụng phụ
Bạn cần lưu ý rằng, dù bạn có mở bao nhiêu thẻ phụ thì hạn mức tín dụng của bạn không thay đổi và tất cả thẻ tín dụng bao gồm thẻ chính và thẻ phụ đều dùng chung hạn mức tín dụng này.
Ví dụ, bạn có 1 thẻ tín dụng có hạn hạn mức thẻ chính là 50 triệu đồng, khi phát hành thêm 1 thẻ phụ cho vợ thì hạn mức vẫn là 50 triệu cho 2 thẻ. Bảng sao kê hằng tháng sẽ liệt kê tất cả giao dịch trên cả hai loại thẻ và chủ thẻ chính là người có trách nhiệm thanh toán dư nợ cho ngân hàng.
Tuy nhiên khi mở thẻ phụ cho người thân sử dụng, bạn nên đặt hạn mức chi tiêu, bởi những nhiều chủ thẻ tín dụng phụ chưa có khả năng quản lý chi tiêu tốt, điều này dễ dẫn đến tình trạng người dùng thẻ phụ “vung tay quá trán” chi tiêu vượt mức tín dụng, khiến cho chủ thẻ chính dễ rơi vào hoàn cảnh “mắc nợ”, thậm chí phải chịu phí phạt và lãi suất rất cao vì không thể trả đủ và đúng hạn cho ngân hàng.
Vậy nên, khi mở thẻ tín dụng phụ bạn có thể yêu cầu ngân hàng kiểm soát thẻ phụ bằng cách đặt hạn mức chi tiêu cho thẻ đó. Điều này giúp bạn kiểm soát thẻ phụ chặt chẽ hơn trong vấn đề chi tiêu không làm ảnh hưởng đến việc chi trả về sau.
Ví dụ: Thẻ tín dụng của bạn có hạn mức là 50 triệu. Khi mở thẻ tín dụng phụ, chỉ nên cho phép thẻ phụ chi tiêu tối đa 10 triệu VNĐ/tháng. Khi chi tiêu hết hạn mức đó, chủ thẻ tín dụng phụ sẽ không được phép chi tiêu thêm.
Phụ phí khi mở thẻ tín dụng phụ
Khi mở thẻ tín dụng phụ, khách hàng cũng phải chịu một số khoản phụ phí tương tự như thẻ chính như phí phát hành, phí thường niên, phí ứng trước tiền mặt (trên mỗi giao dịch)…
Do là thẻ tín dụng phụ, nên phí phát hành cũng như phí thường niên trên thẻ sẽ thấp hơn khá nhiều so với thẻ chính. Thông thường, mức phí này chỉ dao động từ 30.000 VND – 500.000 VND. Ngoài ra cũng có 1 số ngân hàng miễn phí phát hành và phí thường niên đối với thẻ tín dụng phụ. Bạn có thể tìm hiểu về phí phát hành và phí thường niên thẻ tín dụng phụ được đăng tải trên website của các ngân hàng.
Ưu và nhược điểm khi mở thẻ tín dụng phụ
Ưu điểm
Khách hàng khi mở thẻ tín dụng phụ để sử dụng sẽ có những lợi ích như:
- Việc đăng ký thẻ phụ khá đơn giản vì chủ thẻ phụ không cần chứng minh thu nhập với ngân hàng. Thẻ tín dụng phụ sẽ được mở theo thu nhập của thẻ chính.
- Người sở hữu thẻ tín dụng phụ được hưởng đầy đủ những lợi ích như khi sử dụng thẻ tín dụng chính.
- Nhiều ngân hàng còn miễn phí thường niên khi mở thẻ phụ. Hoặc phí mở thẻ tín dụng phụ chỉ bằng một nữa thẻ chính.
- Cho phép bạn chia sẻ hạn mức tín dụng của mình với người được ủy quyền. Điều này có thể giúp gia đình hoặc người thân sử dụng thẻ tín dụng một cách tiện lợi và linh hoạt.
- Chủ thẻ chính có thể theo dõi và kiểm soát các giao dịch của người được ủy quyền. Điều này giúp tạo sự đảm bảo và quản lý tốt hơn về việc sử dụng thẻ tín dụng.
- Nếu người được ủy quyền sử dụng thẻ tín dụng phụ một cách có trách nhiệm và thanh toán đúng hạn, điều này có thể giúp xây dựng lịch sử tín dụng tích cực và cải thiện điểm tín dụng của người đó.
Nhược điểm khi mở thẻ tín dụng phụ
- Nếu người được ủy quyền sử dụng thẻ tín dụng phụ không quản lý tài chính một cách cẩn thận, chi tiêu quá đà, có thể làm tăng số nợ mà chủ thẻ chính phải chi trả.
- Phí và lãi suất cao: Ngoài các khoản phí phải trả cho thẻ chính, chủ thẻ tín dụng phụ có thể phải trả các khoản phí liên quan đến phí mở thẻ, phí thường niên, cũng như lãi suất áp dụng cho số tiền nợ chưa được thanh toán. Điều này có thể tăng chi phí tổng cộng liên quan đến thẻ tín dụng.
Bạn có thể dễ dàng mở thẻ tín dụng phụ cho người thân
Điều kiện và thủ tục mở thẻ tín dụng phụ
Điều kiện mở thẻ tín dụng phụ
Việc đăng ký thẻ phụ khá đơn giản vì hầu hết chủ thẻ phụ không cần chứng minh thu nhập với ngân hàng, công ty tài chính. Chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện sau:
- Độ tuổi từ 15 trở lên
- Có mối quan hệ thân nhân với chủ sở hữu thẻ chính như vợ, con hoặc bố mẹ...
- Số lượng thẻ tín dụng phụ được mở kèm thẻ chính từ 1 - 2 thẻ. Nhưng cũng có ngân hàng, công ty tài chính cho phép nhiều hơn.
Thủ tục làm thẻ tín dụng phụ
- Bản đăng ký mở thẻ phụ theo mẫu của từng ngân hàng.
- Có giấy tờ tùy thân như: CMND/CCCD
- Hộ khẩu (nhằm chứng minh quan hệ giữa chủ thẻ chính và chủ thẻ phụ).
Cách mở thẻ tín dụng phụ
Hiện nay, nhiều ngân hàng hỗ trợ khách hàng mở thẻ tín dụng phụ như ngân hàng VPBank, VIB, FE Credit, HSBC, Vietcombank, Viettinbank, TPBank… vô cùng nhanh chóng và tiện lợi. Dưới đây là 2 cách để bạn có thể mở thẻ tín dụng phụ:
Cách 1: Mở thẻ tín dụng phụ tại chi nhánh/PGD Ngân hàng
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thủ tục như trên, bạn có thể mở thẻ tín dụng phụ bằng cách đến trực tiếp quầy giao dịch ngân hàng để thực hiện.
Bước 1: Mang theo giấy tờ cần thiết như CMND/CCCD và Hộ khẩu đến chi nhánh/PGD ngân hàng để yêu cầu mở thẻ phụ.
Bước 2: Lấy mẫu đơn đăng ký thẻ tín dụng và điền đầy đủ thông tin theo mẫu của ngân hàng
Bước 3: Hoàn tất phần đăng ký thẻ tín dụng phụ trong đơn đăng ký thẻ tín dụng chính
Cách 2: Mở thẻ tín dụng phụ Online
Lưu ý: Đây là cách thức áp dụng đối với mở thẻ phụ tại ngân hàng VPBank
Bước 1: Đăng nhập VPBank Online. Chọn Tiện ích/Dịch vụ thẻ/Đăng ký mở thẻ phụ
Bước 2: Điền các thông tin đăng ký cho thẻ phụ
Bước 3: Kiểm tra lại thông tin và xác nhận
Bước 4: Nhập mã OTP được gửi tới điện thoại để hoàn thành đăng ký
Bước 5: Sau khi chủ thẻ chính xác nhận mở thẻ phụ thành công. Chủ thẻ phụ đăng nhập VPBank Online để kích hoạt thẻ phụ
Những lưu ý khi dùng thẻ tín dụng phụ
Trong quá trình sử dụng thẻ tín dụng phụ, khách hàng cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Đảm bảo an toàn thông tin thẻ: Rủi ro thông tin có thể xảy ra nếu chủ thẻ không hiểu được tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin, vì thế bạn nên hướng dẫn cách sử dụng an toàn, bảo mật thông tin cho người dùng thẻ phụ. Chủ thẻ phụ cần thận trọng khi mua hàng trực tuyến tại website lạ, tuyệt đối không để cho người khác dùng thẻ,…
- Chủ thẻ chính phải thường xuyên kiểm soát thẻ tín dụng phụ: Việc kiểm soát hạn mức tín dụng của thẻ phụ là việc cần đặc biệt lưu tâm với chủ thẻ chính. Khi mở thẻ phụ cho người thân, nhiều chủ thẻ chính thường không giới hạn hạn mức và chủ thẻ phụ có thể chi tiêu hết hạn mức tín dụng giống như thẻ chính. Trong nhiều trường hợp, số tiền được chi tiêu của người thân có thể vượt quá thu nhập của chủ thẻ. Nếu không trả đúng hạn cho ngân hàng, chủ thẻ chính sẽ phải chịu phí phạt và lãi suất rất cao.
- Không sử dụng thẻ tín dụng phụ để rút tiền: Thêm một lưu ý nữa đó là thẻ tín dụng có chức năng thanh toán chứ không phải rút tiền mặt. Ngân hàng thường đặt phí và lãi suất rất cao nếu khách hàng dùng thẻ tín dụng rút tiền qua ATM. Nếu không được hướng dẫn, chủ thẻ phụ có thể không ý thức được việc này và rút tiền thẻ tín dụng từ ATM “vô tội vạ”, dẫn tới phải trả các khoản phí lớn vào cuối tháng.
Những câu hỏi thường gặp về thẻ tín dụng phụ
Ai chịu trách nhiệm trả nợ trên thẻ tín dụng phụ?
Trách nhiệm trả nợ thuộc về chủ thẻ chính. Tức là, người chủ thẻ chính sẽ chịu trách nhiệm trả nợ trên cả thẻ của mình và các thẻ phụ được liên kết với tài khoản của mình.
Thẻ tín dụng phụ có ảnh hưởng đến điểm tín dụng của chủ thẻ không?
Việc sử dụng thẻ tín dụng phụ có thể ảnh hưởng đến điểm tín dụng của chủ thẻ chính. Nếu thẻ tín dụng phụ được sử dụng một cách có trách nhiệm và thanh toán đúng hạn, điều này có thể tăng điểm tín dụng của chủ thẻ chính. Tuy nhiên, nếu thẻ tín dụng phụ được sử dụng không cẩn thận hoặc có nợ không được thanh toán, điểm tín dụng của chủ thẻ chính có thể bị ảnh hưởng tiêu cực
Được mở tối đa bao nhiêu thẻ tín dụng phụ?
Số lượng thẻ tín dụng phụ mà một người có thể mở tối đa phụ thuộc vào quy định của từng ngân hàng hoặc công ty phát hành thẻ. Hầu hết các ngân hàng hiện nay quy định khách hàng có có thể mở tối đa 2 thẻ tín dụng phụ. Tuy nhiên có số ít một số ngân hàng/ công ty tài chính cho phép nhiều thẻ tín dụng. Ví dụ như tại FE CREDIT, một chủ thẻ chính có thể mở tới 9 thẻ phụ.
Chủ thẻ chính có thể hủy thẻ tín dụng phụ mà không cần sự đồng ý của chủ thẻ tín dụng phụ không?
Chủ thẻ chính có quyền hủy thẻ tín dụng phụ mà không cần sự đồng ý của chủ thẻ tín dụng phụ.
Khi thẻ chính hết hiệu lực thì có thể tiếp tục sử dụng thẻ tín dụng phụ không?
Khi thẻ chính hết hiệu lực thì thẻ phụ còn hiệu lực cũng không sử dụng được.
Thẻ tín dụng phụ có trả góp được không?
Trả góp qua thẻ tín dụng là hình thức mua trả góp trong đó số tiền trả trước, tiền trả góp hàng tháng, tiền lãi suất... sẽ được thanh toán trên thẻ tín dụng, khách hàng không phải ra cửa hàng đóng tiền trực tiếp. Khi khách hàng mở thẻ tín dụng phụ, có thể dễ dàng thanh toán tiền trả góp khi mua hàng với lãi suất 0%, ngoài ra còn có các chương trình ưu đãi như hoàn tiền mọi chi tiêu, rút tiền mặt, tích điểm đổi quà mọi giao dịch…
Hy vọng qua bài viết trên, giúp bạn nắm được thông tin thẻ tín dụng phụ là gì, cách mở như thế nào và nó mang đến những lợi ích ra sao cho chủ thẻ. Theo các chuyên gia tài chính, khi mở thẻ tín dụng phụ cho bất kỳ người nào, chủ thẻ chính phải cân nhắc kỹ và tốt nhất nên đặt hạn mức cho thẻ phụ để đảm bảo an toàn tài chính, tránh trở thành con nợ của ngân hàng.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất