Nhận diện những lừa đảo tài chính đa cấp núp bóng app thương mại điện tử
Mục lục [Ẩn]
Từ lừa đảo tài chính Ponzi đến các app thần kỳ thời 4.0
Charles Ponzi cha đẻ của mô hình lừa đảo tài chính Ponzi là người Mỹ gốc Ý. Là một người mê tiền và mưu mô cao, Ponzi luôn tìm cách để làm ra tiền nhiều nhất và nhanh nhất. Năm 1919, Ponzi tìm ra được 1 cách kiếm tiền hiệu quả đó là đầu cơ chênh lệch trên tem bưu chính quốc tế. Ông ta thuê các đại lí mua phiếu hồi đáp quốc tế (IRC - International Reply Coupon) giá rẻ ở các quốc gia khác và gửi tới Mỹ. Sau đó, ông ta sẽ đổi lấy tem và bán lại tem giá cao hơn ở Mỹ để kiếm lời.
Ponzi thành công rực rỡ trong phi vụ này và kiếm được bộn tiền. Thế nhưng Ponzi trở nên tham lam, và bắt đầu dựng lên mô hình lừa đảo Ponzi.
Ông ta phóng đại sự thành công của việc mua bán tem hồi đáp quốc tế để chiêu dụ nhà đầu tư. Ông ta vay tiền nhà đầu tư bằng cách phát hành trái phiếu và cam kết sẽ trả 50% số tiền cho các nhà đầu tư trong vòng 45 ngày hoặc 100% trong 90 ngày. Đây là mức lãi quá cao, và vì thế đã làm nhiều người trở nên tham lam, đến mức "điên rồ". Kết quả là chỉ trong hai năm 1919-1920, Ponzi đã huy động được 15 triệu USD một con số khổng lồ vào thời điểm đó từ hơn 40.000 khách hàng. Tháng 8/1920, Ponzi bắt đầu trả lãi chậm, không theo đúng cam kết. Cảnh sát liên bang đã đột kích khám xét văn phòng công ty ông và phát hiện ra, ông ta không dùng tiền của nhà đầu tư để mua bán tem IRC, mà dùng tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước, theo đúng câu "robbing Peter to pay Paul"
Và Pozin tên ông đã được đặt cho những mô hình lừa đảo đầu tư tài chính.
Mô hình lừa đảo PONZI được định nghĩa là một dạng lừa đảo tín dụng huy động vốn theo hình thức đa cấp lấy tiền huy động của người góp vốn sau để trả lãi cho người góp vốn trước đó.
Người huy động vốn sẽ "vẽ" lên 1 dự án, 1 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, và đang cần huy động vốn để phát triển. Người huy động vốn cam kết trả mức lãi suất cao cho nhà đầu tư và sẽ dùng những ví dụ về những nhà đầu tư đã nhận lãi cao, để tiếp tục chiêu dụ những nhà đầu tư mới.
Người huy động vốn sẽ trả hoa hồng rất cao cho những người giới thiệu nhà đầu tư. Người giới thiệu có thể không phải là nhà đầu tư, mà cũng có thể là nhà đầu tư. Tức là nhà đầu tư cũ giới thiệu nhà đầu tư mới và hưởng hoa hồng từ việc giới thiệu đó. Vì thế người ta còn gọi mô hình lừa đảo này là mô hình tài chính đa cấp Ponzi.
Kể từ khi ra đời năm 1919, cho đến nay, những mô hình lừa đảo tài chính kiểu Ponzi liên tục phát triển ở tất cả các quốc gia. Một trong những mô hình lừa đảo lớn nhất thế giới, cho đến nay là vụ gian lận tài chính của ông Bernard L. Madoff với số tiền lên đến 50 tỷ đô la Mỹ.
Ở Việt Nam, các mô hình lừa đảo kiểu Ponzi cũng liên tục làm mưa làm gió. Tìm trên Google chúng ta sẽ thấy rất nhiều vụ. Bản thân người viết đã tham gia góp phấn vạch trần những vụ như: mỏ vàng Insider 21, tiền ảo One Coin, máy đào tiền ảo Sky Mining…
Gần đây, với sự phát triển của công nghệ, các dự án lừa đảo theo mô hình Ponzi ngày càng nở rộ, đặc biệt là các App thương mại điện tử mà tôi gọi là dự án "App thần kỳ thời 4.0"
Đây là những app dùng mô hình sàn thương mại điện tử để kết nối người mua với người bán, và áp dụng hình thức hoàn tiền khủng cho người mua.
Đích nhắm của những "App thần kỳ thời 4.00" là kêu gọi nhà đầu tư góp tiền đầu tư, hoặc cho App vay, với lãi suất cực kỳ cao. "App thần kỳ thời 4.00" sẽ dùng tiền nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước.
"App thần kỳ thời 4.00", cũng như tất cả các lừa đảo tài chính trước đây, sẽ chết khi lượng tiền người sau không đủ cho những người trước, hoặc khi sáng lập App rút tiền và im lặng biến mất.
App thần kỳ thời 4.0 “Hô biến” ra tiền
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách thức kinh doanh của các App Thần kỳ thời 4.0.
Đây là công thức để tính kết quả kinh doanh. Nó áp dụng cho tất cả doanh nghiệp.
Đầu tiên bắt đầu với doanh thu gộp, tức là toàn bộ doanh số thu được từ các loại khách hàng. Khấu trừ các khuyến mại, giảm giá trực tiếp chúng ta sẽ có doanh thu thuần.
Lấy doanh thu thuần trừ đi giá thành sản phẩm/dịch vụ - là những chi phí cấu thành ra sản phẩm – chúng ta sẽ có lợi nhuận gộp.
Tiếp đó chúng ta trừ đi 2 nhóm chi phí lớn. Nhóm 1 là chi phí bán hàng, tiếp thị, gồm tất cả những chi phí liên quan đến việc kinh doanh tiếp thị như chi phí quảng cáo, lương và tiền thưởng cho nhân viên kinh doanh.
Nhóm 2 là chi phí quản lý doanh nghiệp gồm tất cả những chi phí phát sinh trong kỳ ví dụ như thuê văn phòng, lương, khấu hao tài sản, các loại chi phí vận hành.
Lợi nhuận gộp trừ đi 2 nhóm chi phí đó sẽ ra lợi nhuận ròng trước thuế. Nếu số này âm thì gọi là lỗ ròng, doanh nghiệp không phải đóng thuế. Nếu số này dương, thì doanh nghiệp đóng thuế thu nhập. Sau khi đóng thuế, chúng ta sẽ có lợi nhuận ròng sau thuế.
Lợi nhuận ròng này sau khi trích quỹ tái đầu tư cho sự phát triển của doanh nghiệp vào các năm sau, sẽ trở thành lợi nhuận có thể chia cổ tức, hoặc lợi nhuận giữ lại.
Hầu hất cả những sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon, hoặc sàn quốc tế tại Việt Nam như Lazada, Shopee, hoặc sàn nội địa như TIKI, SENDO đều phải lỗ trong nhiều năm đầu. Lý do là, vì các loại chi phí, đặc biệt là chi phí marketing quá lớn. Các doanh nghiệp phải nâng tiền Marketing để thu hút (acquire) khách hàng, và marketing để nhắc, thúc đẩy khách hàng mua hàng. Hầu như chưa có sàn thương mại điện tử (TMĐT) nào có lợi nhuận trong 5 năm đầu. Để tồn tại và phát triển, các sàn TMĐT này liên tục kêu gọi vốn đầu tư. Sàn TMĐT sẽ ngừng lỗ khi nó chiếm lĩnh thị trường, có số lượng lớn user và không bị áp lực nặng về cạnh tranh.
Còn các app "thần kỳ đời 4.0" thì sao?
Ngoài các chi phí tương tự như các sàn TMĐT chính quy nói trên, thì các App "Thần kỳ Đời 4.0" còn có 1 chi phí đặc biệt đó là chi phí hoàn tiền cho khách. Họ cam kết, trong thời gian 5 năm, sẽ hoàn đến 80% doanh số mua hàng của khách.
Chúng ta thử tính chi phí này bằng bao nhiêu phần trăm doanh thu của App.
Giả sử khách hàng mua 100 đồng từ 1 cửa hàng nào đó trên App "Thần kỳ Đời 4.0". Doanh thu mà App được hưởng chính là từ hoa hồng, và phí do người bán đóng góp. Giả sử khoản hoa hồng và phí này của App là rất tốt, lên đến 30%. Tức là App được hưởng 30 đồng từ 100 đồng mua hàng của khách.
Bây giờ chúng ta tính giá trị của 80 đồng mà App cam kết sẽ hoàn khách hàng trong vòng 60 tháng. Chúng ta sẽ chiết khấu, tức là tính giá trị hiện tại của số tiền được trả lại, theo công thức sau. Giá trị hiện tại = Giá trị tương lai/(1+lãi suất)số kỳ
Giả sử rằng lãi suất là 24%/năm, tương đương 1,81%/tháng, thì 2 đồng được trả vào năm 1, sẽ có giá trị hiện tại là = 2/(1+1,81)1 = 1,964 đồng, 1 đồng được trả vào tháng thứ 40, sẽ có giá trị hiện tại = 1/(1+1,81%)40 = 0,488 đồng.
Tổng giá trị hiện tại của 80 đồng trả lại này, bằng 50,48 đồng.
Nói 1 cách khác, khi có 1 khách hàng mua 100 đồng từ App "Thần kỳ Đời 4.0" thì App thần kỳ được hưởng doanh số 30 đồng, và phải trả khoản hoàn phí cho khách hàng tương đương 50 đồng. App lỗ ngay lập tức -20 đồng.
Đó là chưa kể các chi phí sales, marketing, vận hành, quản lý doanh nghiệp mà tôi đã liệt kê bên trên, cũng rất lớn.
Các sàn TMĐT hàng đầu không hoàn phí cho khách mà còn lỗ nặng.
Thì App "Thần kỳ Đời 4.0", hoàn phí khủng như thế thì chỉ từ lỗ đến lỗ. Bài toán kinh doanh của App "Thần kỳ Đời 4.0" xem như không có lối ra nào cả.
Vận hành kinh doanh thì lỗ nặng thì tiền đầu mà các App thần kỳ thời 4.0 trả cho nhà đầu tư. Câu trả lời không còn gì khác hơn, đó chính là chiêu thức phổ biến của Ponzi: "robbing Peter to pay Paul" tức là lấy tiền của người sau trả cho người trước.
App “thần kỳ đời 4.0” kêu gọi vốn mà như đi bán rau!
Để có thể kêu gọi vốn đầu tư từ các quỹ, các "đại gia", các startup phải trình bày bảng kế hoạch kinh doanh chi tiết, trong đó chi tiết rõ họ đã kinh doanh như thế nào trong quá khứ và hiện tại, kế hoạch tương lai như thế nào. Mọi con số đều phải rất rõ ràng. Các quỹ, các đại gia, nghiên cứu rất kỹ mới ra quyết định đầu tư.
Để có thể kêu gọi vốn từ công chúng, kêu gọi vốn trên sàn chứng khoán, thì các doanh nghiệp - đạt đủ điều kiện về thời gian hoạt động, về lợi nhuận – phải phát hành bản cáo bạch rất chi tiết về tình hình doanh nghiệp, chủ sở hữu, ban giám đốc, kết quả kinh doanh trong quá khứ, kế hoạch kinh doanh trong tương lai, những rủi ro…Đặc biệt là những báo cáo tài chính đều phải có kiểm toán.
Để có thể vay vốn từ ngân hàng, các doanh nghiệp phải làm bộ hồ sơ chi tiết, và đa phần phải thế chấp tài sản.
Ấy vậy mà, các APP "Thần kỳ Đời 4.0" chẳng cần phải trình bày, báo cáo một kế hoạch kinh doanh nào, không báo cáo bất cứ số liệu nào. Hoàn toàn không có một bản báo cáo tài chính được kiểm toán nào cả.
Các APP "Thần kỳ Đời 4.0" hoàn toàn không nói gì về việc họ đã và sẽ vận hành kinh doanh như thế nào để quản lý đồng tiền vốn của nhà đầu tư và sinh lợi trên đồng vốn. Mà đây là vấn đề quan trọng nhất, là căn cứ để các nhà đầu tư quyết định nhưng họ lại lơ không nói gì.
Mà thay vào đó họ nói về mức hoàn tiền khủng cho khách, về tỷ suất lợi nhuận rất cao cho nhà đầu tư để đánh vào lòng tham, sự điên rồ tiền bạc của nhà đầu tư. Các APP "Thần kỳ Đời 4.0" dùng những cụm từ bí ẩn thời 4.0, và những từ ngữ ảo diệu, hoa mỹ, dùng những cách tính tiền, lợi nhuận rắc rối để khỏa lấp nội dung quan trọng nhất: Họ kinh doanh như thế nào để tạo ra giá trị, để tiền sinh ra tiền với mức khủng như vậy?
Nhập nhằng đánh lận con đen
Nếu các doanh nghiệp nghiêm túc, startup đàng hoàng có những thông tin chính thức về , giấy phép công ty, trụ sở, những người sáng lập, hội đồng quản trị, Ban giám đốc …trên website, trên các phương tiện đại chúng thì các "App thần kỳ đời 4.0" hoàn toàn không có thông tin rõ ràng và chính thức. Họ dựng các website và youtube vệ tinh để đánh bóng thương hiệu, đưa thông tin chiêu dụ khách hàng.
Họ cố tình dùng hình ảnh và tên tuổi của người có uy tín, người nổi tiếng theo cách mập mờ, đánh lận con đen. Họ mời những người nổi tiếng, có uy tín đến 1 sự kiện nào đó của họ, chụp hình cùng logo của họ… rồi họ "chế biến" những hình ảnh của những người nổi tiếng này để PR để "dụ dỗ" người thiếu hiểu biết. Câu cửa miệng của các tín đồ "là App này của ông A, ông B cực uy tín", hoặc "App này là của ông C đem về Việt Nam", hoặc "cả thế giới dùng app này mà lo gì".
Những tín đồ của App “thần kỳ đời 4.0”
Phân tích như trên, chúng ta thấy rõ những sai trái rõ ràng của "App thần kỳ đời 4.0" thế nhưng nó vẫn mê hoặc được nhiều tín đồ.
Nhóm 1: Những người mua hàng và đã bắt đầu được hoàn tiền vài tháng. Họ quá lợi. Mua ở đâu cũng vậy, mua ở "App Thần kỳ Đời 4.0" thì được hoàn tiền khủng. Quá sướng. Thế là họ liên tục mua, và tự nguyện trở thành "tín đồ" của "App Thần kỳ Đời 4.0", luôn tuyên truyền về sự kỳ diệu của "App Thần kỳ Đời 4.0". Một thời gian ngắn sau, họ sẽ từ từ biến bản thân mình từ người mua trở thành nhà đầu tư. Đó đúng là kịch bản mà "App Thần kỳ Đời 4.0" đã giăng ra.
Nhóm 2: Những nhà đầu tư tham lam. Tôi đã chứng kiến những người bạn của tôi, cũng học và làm về tài chính, nhưng họ dễ dàng dính bẫy của những lừa đảo Ponzi trước đây: Mỏ vàng Insider 21, Tiền ảo OneCoin, đào tiền Sky Mining. Họ hiểu biết mà còn bị lòng tham làm mờ mắt thì những người dân bình thường, làm sao cưỡng nổi những quảng cáo về mức lợi nhuận quá lớn như vậy.
Nhóm 3: Những nhà đầu tư sành sỏi, lợi dụng các lừa đảo Ponzi để kiếm tiền. Họ tham gia ngay lúc đầu, giới thiệu nhiều người, và thu vốn + lời về nhanh, trước khi hệ thống sụp.
Nhóm 4: Là nhóm chuyên đi giới thiệu để kiếm hoa hồng mà không đầu tư.
Nhóm này đích thực là những con diều hâu hút tiền của nhà đầu tư. Và vì thế mồm của chúng rất to để giải thích, và "bảo vệ"cho dự án, và chiêu dụ nhà đầu tư.
Những nguyên tắc giúp nhận diện lừa đảo tài chính
Trong cuốn sách "Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam", tôi có viết về các nguyên tắc đầu tư. Theo đó, trước khi đầu tư vào bất kỳ 1 dự án, một app nào, chúng ta phải hiểu thật rõ những điều sau:
- Cơ sở pháp lý của dự án, của App đó. Nhà nước, pháp luật có bảo vệ chúng ta hay không?
- "Hạng mức tín dụng", độ tin cậy của doanh nghiệp, của những người giữ tiền chúng ta.
- Nguyên tắc vận hành, tạo ra lợi nhuận của dự án, của app.
- Những rủi ro tiềm ẩn. Cách giảm thiểu rủi ro.
Các App thần kỳ thời 4.0 đều không thỏa mãn những điều kiện bên trên. Điều nguy hiểm nhất, là nó vi phạm nguyên tắc quan trọng nhất: "Không bao giờ có một bữa trưa miễn phí".
Những doanh nghiệp hàng đầu tạo được tỷ suất lợi nhuận cao cho người chủ sở hữu, chia cổ tức cao cho nhà đầu tư nhưng họ không bao giờ hứa 1 mức lợi nhuận cao với bất kỳ nhà đầu tư nào.
Nếu đầu tư vào doanh nghiệp, mà họ hứa chắc chắn lãi suất năm: 30%, 50%, 70%, thì nhà đầu tư có thể đi vay ngân hàng 12%-15% và đầu tư vào doanh nghiệp để hưởng lãi chênh lệch rất cao mà không có 1 rủi ro nào. Điều này là không đúng theo nguyên tắc ""Không bao giờ có một bữa trưa miễn phí".
Bớt tham lam, và chịu khó học hỏi kiến thức, người dân sẽ bớt bị sập những lừa đảo đầu tư, những mô hình tài chính đa cấp kiểu Ponzi."
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất