Bảo hiểm y tế doanh nghiệp - Các thông tin quan trọng cần biết
Mục lục [Ẩn]
Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế trong doanh nghiệp
Khoản 1, Điều 12 Luật bảo hiểm y tế quy định như sau:
“Điều 12. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:
a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);
b) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật”
Mặt khác, Điều 2 Luật này cũng quy định như sau:
“Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì người lao động và người sử dụng lao động đều thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc.
Thẻ bảo hiểm y tế doanh nghiệp
Mức đóng bảo hiểm y tế của người lao động, doanh nghiệp
Khoản 1, Điều 18 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định như sau:
“18. Mức đóng, trách nhiệm đóng BHYT của các đối tượng theo quy định tại Điều 13 Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
1. Đối tượng tại Điểm 1.1, 1.2 Khoản 1 Điều 17: mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 3%; người lao động đóng 1,5%. Tiền lương tháng đóng BHYT là tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Điều 6.
Đối với đối tượng quy định tại Điểm 1.4 Khoản 1 Điều 17: Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng theo ngạch bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung (đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định) hoặc 4,5% tiền lương tháng ghi trong HĐLĐ (đối với người lao động hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của người sử dụng lao động); trong đó, Công an đơn vị, địa phương đóng 3%, người lao động đóng 1,5%”
Theo quy định này thì mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng là 4,5% mức tiền lương tháng, trong đó:
- Người sử dụng lao động đóng: 3%
- Người lao động đóng: 1,5%
Lưu ý: Tiền lương tháng đóng bảo hiểm y tế chính là tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Mức đóng tối thiểu
Theo Điểm 2.6 Khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (hay bảo hiểm y tế) bắt buộc tối thiểu quy định như sau:
“2.6. Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Khoản này không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.
a) Người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng;
b) Người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường”.
Cập nhật: Các quy định mới nhất về bảo hiểm y tế để đảm bảo quyền lợi khi tham gia.
Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người lao động
- Theo Điều 3, Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng như sau:
"Điều 3. Mức lương tối thiểu vùng
1. Quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:
a) Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
b) Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
c) Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
d) Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
2. Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này".
Như vậy, mức lương đóng bảo hiểm y tế bắt buộc tối thiểu dự kiến trong năm 2021 như sau:
Vùng | Người làm việc trong điều kiện bình thường | Người đã qua học nghề, đào tạo nghề | Người làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm | Người làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm | ||
Công việc giản đơn | Công việc yêu cầu đã qua học nghề, đào tạo nghề | Công việc giản đơn | Công việc yêu cầu đã qua học nghề, đào tạo nghề | |||
Vùng I | 4.420.000 | 4.729.400 | 4.641.000 | 4.965.870 | 4.729.400 | 5.060.458 |
Vùng II | 3.920.000 | 4.194.400 | 4.116.000 | 4.404.120 | 4.194.400 | 4.488.008 |
Vùng III | 3.430.000 | 3.670.100 | 3.601.500 | 3.853.605 | 3.670.100 | 3.927.007 |
Vùng IV | 3.070.000 |
3.284.900 | 3.223.500 | 3.449.145 | 3.284.900 | 3.514.843 |
(Đơn vị: Đồng/tháng)
Theo các quy định nếu doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I, người làm việc trong điều kiện bình thường thì mức đóng bảo hiểm y tế tối thiểu được quy định như sau:
- Người sử dụng lao động đóng: 3% x 4.420.000 = 132.600 đồng/tháng
- Người lao động đóng: 1,5% x 4.420.000 = 66.300 đồng/tháng
Mức đóng tối đa
Mức lương đóng bảo hiểm y tế tối đa bằng 20 tháng lương cơ sở. Hiện nay, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng nên mức lương tháng tối đa đóng bảo hiểm y tế = 1.490.000 x 20 = 29.800.000 đồng/tháng.
Người lao động thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
Khoản 2, Điều 13, Luật bảo hiểm y tế quy định như sau:
“2. Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này”.
Như vậy theo quy định trên, nếu người lao động thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau thì sẽ đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người lao động đó được xác định theo thứ tự:
1. Người lao động và người sử dụng lao động cùng đóng
2. Tổ chức bảo hiểm xã hội đóng
3. Ngân sách Nhà nước đóng
4. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng;
5. Hộ gia đình.
Ví dụ: Chị B đang làm việc tại một doanh nghiệp có chồng là sỹ quan quân đội. Theo đó chị B vừa thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do người lao động và người sử dụng lao động đóng vừa thuộc đối tượng do ngân sách Nhà nước đóng.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 13, Luật bảo hiểm y tế thì chị B thuộc nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do người lao động và người sử dụng lao động đóng.
Người lao động làm việc tại nhiều doanh nghiệp
Căn cứ Khoản 2 Điều 4 Nghị định 44/2013/NĐ-CP quy định như sau:
“2. Trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc của người sử dụng lao động và người lao động:
a) Người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế”.
Như vậy nếu người lao động làm việc tại nhiều doanh nghiệp thì đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng có mức tiền lương cao nhất. Người sử dụng lao động của các hợp đồng còn lại sẽ phải chi trả khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của mình cho người lao động.
Xem thêm: Mức hưởng bảo hiểm y tế hiện nay là bao nhiêu?
Bảo hiểm y tế rất cần thiết với người lao động
Người lao động đã tham gia bảo hiểm y tế trước đó
Căn cứ Khoản 1, Điều 20 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định như sau:
“Điều 20. Hoàn trả tiền đóng BHYT
1. Người đang tham gia BHYT theo đối tượng tại Khoản 4, 5 Điều 17 được hoàn trả tiền đóng BHYT trong các trường hợp sau:
1.1. Người tham gia được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng mới, nay báo giảm giá trị sử dụng thẻ đã cấp trước đó (có thứ tự đóng xếp sau đối tượng mới theo quy định tại Điều 12 Luật BHYT);
1.2. Được ngân sách nhà nước điều chỉnh tăng hỗ trợ mức đóng BHYT;
1.3. Bị chết trước khi thẻ BHYT có giá trị sử dụng”.
Theo quy định này, nếu người lao động thuộc diện được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng hoặc tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình nếu đã tham gia bảo hiểm y tế trước đó sẽ được hoàn trả số tiền đóng bảo hiểm y tế khi:
- Tham gia được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng mới, nay báo giảm giá trị sử dụng thẻ đã cấp trước đó
- Được ngân sách nhà nước điều chỉnh tăng hỗ trợ mức đóng
- Bị chết trước khi thẻ BHYT có giá trị sử dụng
Trên đây là các thông tin về bảo hiểm y tế doanh nghiệp mà người lao động cần nắm được để đảm bảo quyền lợi khi tham gia.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất