Người được bảo hiểm mất tích có được trả tiền bảo hiểm không?
Mục lục [Ẩn]
Người được bảo hiểm mất tích có được chi trả không?
Trong Luật kinh doanh bảo hiểm và bản quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm không nhắc đến trường hợp người được bảo hiểm mất tích. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản Điều 71 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
“Điều 71. Tuyên bố chết
1. Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:
a) Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
b) Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
d) Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này.
Như vậy, nếu sau 3 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực người được bảo hiểm còn sống thì người có quyền, lợi ích liên quan (người thụ hưởng) có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết. Khi đó thì công ty bảo hiểm sẽ chi trả quyền lợi tử vong cho người thụ hưởng.
Người được bảo hiểm mất tích có được chi trả không?
Thủ tục yêu cầu tuyên bố một người là đã chết
Để yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết thì người có quyền và lợi ích liên quan cần thực hiện theo hướng dẫn sau:
Theo khoản 2 Điều 391 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, hồ sơ nộp để yêu cầu Toà án tuyên bố một người là đã chết gồm:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:
- Đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự (theo mẫu)
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh người này đã chết theo các trường hợp nêu trên: Bị biệt tích, đã bị tuyên bố mất tích trước đó, gặp thảm hoạ, thiên tai...
- Giấy tờ nhân thân chứng minh bản thân là người có quyền yêu cầu Toà án ra quyết định: Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hạn, các giấy tờ chứng minh quyền, nghĩa vụ liên quan giữa người yêu cầu và người bị yêu cầu tuyên bố đã chết (bản sao).
Bước 2: Người có quyền và lợi ích liên quan nộp hồ sơ yêu cầu tuyên bố một người là đã chết tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền (thường là Tòa án nhân dân cấp quận/huyện)
Bước 3: Chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết
- Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm thông tin về người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết.
- Trong thời hạn thông báo, nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu hoặc người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết trở về và thông báo cho Tòa án biết thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu.
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn thông báo thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
Bước 4: Quyết định tuyên bố một người là đã chết
Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết. Trong quyết định này, Tòa án phải xác định ngày chết của người đó và hậu quả pháp lý của việc tuyên bố một người là đã chết theo quy định của Bộ luật dân sự.
(Căn cứ Điều 387, Điều 388, Điều 389, Bộ luật tố tụng dân sự 2015)
Như vậy, trường hợp người được bảo hiểm mất tích và được Tòa án tuyên bố là đã chết thì người có quyền lợi liên quan sẽ được công ty bảo hiểm chi trả quyền lợi tử vong.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất