Đại lý bảo hiểm thuế thu nhập cá nhân tính như thế nào?
Mục lục [Ẩn]
Đại lý bảo hiểm có phải quyết toán thuế TNCN không?
Theo khoản 1 Điều 5 Thông tư số 92/2015/TT-BTC, nguyên tắc áp dụng tính thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
“a) Cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp là cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với công ty xổ số kiến thiết, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp theo hình thức đại lý bán đúng giá.
b) Đối với cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là tổng số tiền hoa hồng của đại lý, các khoản thưởng dưới mọi hình thức, các khoản hỗ trợ và các khoản thu khác mà cá nhân nhận được trong năm dương lịch.”
Căn cứ vào quy định này, đối tượng đại lý bảo hiểm sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân khi có mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
Ví dụ 1: Thuỳ Dương là đại lý bảo hiểm ký hợp đồng trực tiếp với Công ty BHNT AIA. Tổng kết năm 2020, Thuỳ Dương thu được số tiền hoa hồng đại lý là 300 triệu đồng (mức lớn hơn 100 triệu đồng). Do đó, Thuỳ Dương nằm trong diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân với mức doanh thu tính thuế là 300 triệu đồng.
Thuế TNCN và đại lý bảo hiểm
Đại lý bảo hiểm là nghề được khấu trừ, đóng mức thuế TNCN thấp, vậy liệu bạn đã biết nghề này định nghĩa thế nào, hoạt động công việc là gì, có quyền và nghĩa vụ ra sao để được hưởng mức thuế thấp như vậy? Bạn nên đọc bài viết: Quy định về nghĩa vụ đại lý bảo hiểm và nghĩa vụ doanh nghiệp bảo hiểm.
Cách tính thuế TNCN cho đại lý bảo hiểm
Đối với cá nhân làm đại lý bảo hiểm, căn cứ tính thuế dựa vào doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân tính trên doanh thu:
- Doanh thu tính thuế là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của tổng số tiền hoa hồng, các khoản thưởng dưới mọi hình thức, các khoản hỗ trợ và các khoản thu khác mà cá nhân nhận được từ doanh nghiệp bảo hiểm (gọi tắt là tiền hoa hồng).
- Tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân với cá nhân làm đại lý bảo hiểm là 5%.
Thời điểm xác nhận doanh thu tính thuế là khi doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền hoa hồng cho cá nhân.
Công thức tính thuế thu nhập cá nhân cho đại lý bảo hiểm:
Ví dụ 2: Tính thuế thu nhập cá nhân cho Thuỳ Dương ở ví dụ trên:
Số tiền thuế TNCN phải nộp: 300 triệu đồng x 5% = 15 triệu đồng
Như vậy, Thuỳ Dương phải nộp 15 triệu đồng tiền thuế thu nhập cá nhân cho doanh thu của mình nhận được trong năm 2020 là 300 triệu đồng.
Quy trình kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân
Bước 1: Đại lý bảo hiểm cá nhân chuẩn bị 1 bộ hồ sơ (gồm Tờ khai mẫu số 01/TKN-XSBHDC ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC) gửi đến cơ quan thuế địa phương nơi cá nhân đang cư trú trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.
Bước 2: Cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ
- Nếu hồ sơ nộp trực tiếp tại cơ quan thuế thì công chức thuế tiến hành tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận hồ sơ, ghi thời gian nhận hồ sơ, số lượng tài liệu trong hồ sơ, đồng thời ghi vào sổ văn thư của cơ quan thuế.
- Nếu hồ sơ được gửi qua đường bưu điện thì công chức thuế đóng dấu ghi ngày nhận hồ sơ, đồng thời ghi vào sổ văn thư của cơ quan thuế.
- Nếu hồ sơ được nộp thông qua giao dịch điện tử thì cũng sẽ được giải quyết online.
Một số quy định khác liên quan đến quy trình kê khai, nộp thuế
- Thời hạn giải quyết: Không trả kết quả cho người nộp thuế
- Đối tượng thực hiện thủ tục: Cá nhân
- Cơ quan thực hiện thủ tục: Chi cục thuế
- Lệ phí: Không có
Ngoài ra, khách hàng cũng có thể tìm hiểu thêm thông tin Tham gia bảo hiểm nhân thọ có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không trước khi tham gia bảo hiểm.
Tóm lại, đại lý bảo hiểm phải nộp thuế thu nhập cá nhân khi tổng doanh thu đạt hơn 100 triệu đồng/năm. Hãy nộp thuế đúng hạn và đầy đủ để thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất