Hợp đồng bảo hiểm tài sản là gì? 6 lưu ý quan trọng cần biết
Mục lục [Ẩn]
Hợp đồng bảo hiểm tài sản là gì?
Bảo hiểm tài sản là loại hình bảo hiểm phi nhân thọ, khi tham gia bảo hiểm tài sản bạn cần để ý đến hợp đồng bảo hiểm tài sản trước khi ký kết.
Hợp đồng bảo hiểm tài sản là văn bản thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm tài sản phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra rủi ro với tài sản được bảo hiểm. Đối tượng tài sản được bảo hiểm bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản. Để nắm rõ các đặc điểm, quyền lợi bảo hiểm tài sản bạn có thể tham khảo thêm "bảo hiểm tài sản là gì và những thông tin cần biết".
Các loại hợp đồng bảo hiểm tài sản
Các loại hợp đồng bảo hiểm tài sản phổ biến bao gồm:
- Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị: Là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm cao hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không được giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị.
- Hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị: Là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm thấp hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng.
- Hợp đồng bảo hiểm trùng: Là trường hợp bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm với hai doanh nghiệp bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng một đối tượng, với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm.
Lưu ý trong hợp đồng bảo hiểm tài sản
Căn cứ bồi thường
Dựa theo Điều 46, Luật kinh doanh năm 2000 quy định căn cứ bồi thường trong hợp đồng bảo hiểm tài sản như sau:
Điều 46. Căn cứ bồi thường
1. Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Chi phí để xác định giá thị trường và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.
2. Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
3. Ngoài số tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải trả cho người được bảo hiểm những chi phí cần thiết, hợp lý để đề phòng, hạn chế tổn thất và những chi phí phát sinh mà người được bảo hiểm phải chịu để thực hiện chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.
Bảo hiểm tài sản
Hình thức bồi thường
Căn cứ Điều 47, Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 thì hình thức bồi thường được quy định như sau:
Điều 47. Hình thức bồi thường
1. Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thoả thuận một trong các hình thức bồi thường sau đây:
a) Sửa chữa tài sản bị thiệt hại;
b) Thay thế tài sản bị thiệt hại bằng tài sản khác;
c) Trả tiền bồi thường.
2. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không thoả thuận được về hình thức bồi thường thì việc bồi thường sẽ được thực hiện bằng tiền.
3. Trong trường hợp bồi thường theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thu hồi tài sản bị thiệt hại sau khi đã thay thế hoặc bồi thường toàn bộ theo giá thị trường của tài sản.
Để nắm rõ hơn về quy định bồi thường bạn hãy tham khảo bài viết "Những quy định chung về bồi thường trong bảo hiểm tài sản".
Giám định tổn thất
Giám định tổn thất được thực hiện khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Từ đó định giá mức độ tổn thất của tài sản và số tiền bồi thường mà người tham gia bảo hiểm sẽ được hưởng.
Chi phí giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.
1. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Chi phí giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.
2. Trong trường hợp có sự tranh chấp các bên không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì có thể trưng cầu giám định viên độc lập, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được việc trưng cầu giám định viên độc lập thì một trong các bên được yêu cầu Toà án nơi xảy ra tổn thất hoặc nơi cư trú của người được bảo hiểm chỉ định giám định viên độc lập. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên.
Trong trường hợp này nếu phù hợp với giám định ban đầu thì khách hàng phải chịu chi phí giám định. Nếu khác với kết quả giám định bạn đầu thì doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu chi phí giám định. Ngoài ra bạn có thể tìm hiểu thêm "Phí bảo hiểm tài sản cố định được tính như thế nào?"
Nếu bạn vẫn còn vướng mắc hãy gửi yêu cầu tư vấn miễn phí NGAY.
Trách nhiệm chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn
Căn cứ Điều 49, Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, thì trách nhiệm chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn được quy định như sau:
Điều 49. Trách nhiệm chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn
1. Trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm.
2. Trong trường hợp người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền cho doanh nghiệp bảo hiểm, không bảo lưu hoặc từ bỏ quyền yêu cầu người thứ ba bồi thường thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền khấu trừ số tiền bồi thường tuỳ theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm.
3. Doanh nghiệp bảo hiểm không được yêu cầu cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người được bảo hiểm bồi hoàn khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã trả cho người được bảo hiểm, trừ trường hợp những người này cố ý gây ra tổn thất.
Những điều quan trọng trong hợp đồng bảo hiểm tài sản
Các quy định về an toàn
- Đối với người được bảo hiểm: Phải thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy, an toàn lao động, vệ sinh lao động và những quy định khác của pháp luật có liên quan nhằm đảm bảo an toàn cho đối tượng bảo hiểm.
- Đối với doanh nghiệp bảo hiểm: Có quyền kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn cho đối tượng bảo hiểm hoặc khuyến nghị, yêu cầu người được bảo hiểm áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế rủi ro.
Lưu ý:
- Trong trường hợp người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho đối tượng bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền ấn định một thời hạn để người được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đó.
Nếu hết thời hạn này mà các biện pháp bảo đảm an toàn vẫn không được thực hiện thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tăng phí bảo hiểm hoặc đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
- Doanh nghiệp bảo hiểm có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa để bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm khi được sự đồng ý của bên mua bảo hiểm hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm
Trong trường hợp xảy ra tổn thất, người được bảo hiểm không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm, trừ trường hợp pháp luật có quy định hoặc các bên có thỏa thuận khác được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm.
Trên đây là 6 lưu ý trong hợp đồng bảo hiểm tài sản bạn cần để ý trước khi ký kết hợp đồng để đảm bảo quyền lợi của chính mình. Hy vọng bài viết sẽ đem lại thông tin hữu ích cho bạn đọc.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất