Thanh khoản là gì? Những thông tin cơ bản về thanh khoản
Mục lục [Ẩn]
Thanh khoản là gì?
Thanh khoản là một khái niệm trong lĩnh vực tài chính. Tính thanh khoản tiếng anh gọi là Liquidity, chỉ mức độ lưu động (hay còn gọi là tính lỏng) của một sản phẩm/tài sản bất kì có thể được mua vào hoặc bán ra trên thị trường mà giá thị trường của nó không bị ảnh hưởng nhiều.
Hiểu một cách đơn giản, tính thanh khoản là thuật ngữ dùng để chỉ khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của một tài sản hoặc một sản phẩm.
Ví dụ tiền mặt là tài sản có tính thanh khoản cao nhất bởi nó có thể dùng để “bán” (đổi lấy hàng hóa/dịch vụ) mà giá trị hầu như không thay đổi. Còn các tài sản khác như bất động sản, nhà máy, máy móc... có tính thanh khoản thấp hơn vì để chuyển đổi các tài sản này thành tiền mặt phải mất một thời gian rất dài.
Thanh khoản là chỉ khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của một tài sản hoặc một sản phẩm
Ý nghĩa của thanh khoản
Tính thanh khoản cho thấy sự linh hoạt và an toàn của một tài sản/thị trường:
- Tài sản ngắn hạn/lưu động có tính thanh khoản cao khi giá của nó ít bị biến động trên thị trường.
- Thị trường hoạt động càng năng động và có hiệu quả thì tính thanh khoản càng cao
Xếp loại tài sản theo tính thanh khoản
Trong kế toán, các tài sản ngắn hạn/lưu động được sắp xếp theo tính thanh khoản từ cao đến thấp như sau:
- 1. Tiền mặt,
- 2. Đầu tư ngắn hạn
- 3. Khoản phải thu
- 4. Ứng trước ngắn hạn
- 5. Hàng tồn kho.
Tiền mặt có tính thanh khoản cao nhất vì luôn luôn dùng được trực tiếp để thanh toán, lưu thông, tích trữ.
Hàng tồn kho có tính thanh khoản thấp nhất do phải trải qua giai đoạn phân phối và tiêu thụ, rồi mới chuyển thành khoản phải thu, sau đó một thời gian mới chuyển thành tiền mặt.
Ngoài 5 loại tài sản nêu trên chứng khoán cũng là một loại tài sản có khả năng thanh khoản.
Công thức tính thanh khoản
Hiện nay, tính thanh khoản được tính dựa vào 3 loại tỷ số. Công thức tính cho từng loại tỷ số như sau:
Tỷ số thanh toán hiện thời
Tỷ số thanh khoản hiện thời = Số tài sản lưu động/ Khoản nợ ngắn hạn |
Ví dụ:
- Tỷ số thanh khoản hiện thời
- Tỷ số thành khoản hiện thời >1: Doanh nghiệp có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn tốt
Tỷ số thanh khoản nhanh
Tỷ số thanh khoản nhanh = (Tài sản lưu động - Số lượng hàng tồn kho/Nợ ngắn hạn = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn |
Ví dụ:
- Tỷ số thanh toán nhanh
- Tỷ số thanh khoản nhanh >0.5: Chứng tỏ doanh nghiệp đang có khả năng chi trả tốt, thanh khoản cao
Tỷ số thanh toán tức thời
Tỷ số thanh toán tức thời = Nguồn vốn được tính bằng tiền/Khoản nợ ngắn hạn |
Trong đó nguồn vốn bằng tiền bao gồm nhiều loại như tiền đang chuyển, tiền mặt, tiền gửi ngân hàng. Đồng thời, các khoản đầu tư chứng khoán ngắn hạn có thể chuyển đổi thành tiền trong 3 tháng không gặp rủi ro lớn cũng được tính trong trường hợp này.
Thanh khoản chứng khoán
Tính thanh khoản chứng khoán là khả năng chuyển đổi từ tiền mặt thành chứng khoán và ngược lại.
Chứng khoán có tính thanh khoản cao là những chứng khoán có sẵn trong thị trường, nên việc mua đi bán lại dễ dàng, giá cả tương đối ổn định theo thời gian, có khả năng cao để phục hồi nguồn vốn đã đầu tư ban đầu.
Tính thanh khoản của chứng khoán cho phép nhà đầu tư/người mua chứng khoán có thể chuyển đổi thành tiền mặt nhanh khi cần thiết. Điều này khiến thị trường chứng khoán càng trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư. Tính thanh khoản của chứng khoán càng cao chứng tỏ thị trường càng năng động
Chứng khoán có tính thanh khoản cao là những chứng khoán có sẵn trong thị trường, việc mua đi bán lại dễ dàng
Rủi ro trong thanh khoản chứng khoán
Các nhà đầu tư và ngân hàng không chỉ quan tâm tới tính thanh khoản chứng khoán mà còn cân nhắc khả năng bán lại chúng để thu hồi vốn. Khi khó tìm được người mua hoặc phải bán giá thấp hơn, tức là chứng khoán đó có khả năng hồi phục kém. Lúc này nhà đầu tư hoặc ngân hàng sẽ phải chịu tổn thất tài chính.
Thực tế nếu một nhà đầu tư nắm trong tay rất nhiều chứng khoán nhưng không thể bán ra được, chỉ biết chịu thua lỗ từng ngày thì đây chính là rủi ro thanh khoản trong đầu tư chứng khoán.
Yếu tố ảnh hưởng đến tính thanh khoản chứng khoán
Tính thanh khoản có ảnh hưởng quyết định tới “số mệnh” chứng khoán của một doanh nghiệp. Vậy nên có nhiều yếu tố ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến tính thanh khoản chứng khoán như sau:
Yếu tố thứ nhất, những con số tài chính sẽ phản ánh tính hình hoạt động sản xuất – kinh doanh có ổn định và phát triển hay không. Doanh nghiệp lớn uy tín, làm ăn tốt sẽ có tính thanh khoản cao và ngược lại, tình hình kinh doanh không tốt, tính thanh khoản cũng thấp.
Yếu tố thứ hai, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đều tuân theo và chịu tác động từ chính sách – quy định của Nhà nước và các cơ quan quản lý. Do đó, tính thanh khoản cũng chịu sự tác động này.
Ví dụ năm 2007, chỉ thị số 03 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành về khống chế dư nợ vốn cho vay và chiết khấu giấy tờ có giá… cho khách hàng đầu tư, kinh doanh chứng khoán của Tổ chức tín dụng ở mức dưới 3% đã gây sốc với thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán lao dốc, hàng loạt mã chứng khoán giảm mạnh nhưng nhà đầu tư không có nguồn tiền hỗ trợ từ ngân hàng nên không thể mua vào ở thời điểm chỉ thị được ban hành.
Yếu tố thứ ba ảnh hưởng đến tính thanh khoản chứng khoán trong nước là đối với các nhà đầu tư nước ngoài: Pháp luật nước ta quy định chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua 30% cổ phiếu của ngân hàng thương mại cổ phần đã niêm yết, được mua 49% cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề khác đã niêm yết. Điều này khiến giới đầu tư nước ngoài không được phép mua hết cổ phiếu họ đang nhắm đến nên buộc phải chọn loại phù hợp nhất. Do đó cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận giới đầu tư nước ngoài bị hạn chế hơn.
Yếu tố cuối thứ tư là tâm lý của các nhà đầu tư. Việc mua bán trên thị trường phụ thuộc nhiều vào thời điểm và nhu cầu của nhà đầu tư. Khi thị trường đang khởi sắc thì nhà đầu tư cũng hứng thú chi tiền mua bán hơn. Khi thị trường đang giảm điểm, nhà đầu tư sẽ có tâm lý hoang mang, dè dặt và cẩn trọng hơn.
Khuyến cáo nhằm hạn chế rủi ro
Các sản phẩm như vàng, bất động sản hay bảo hiểm... trên thị trường đều có mối quan hệ liên thông với nhau. Khi thị trường biến động đều sẽ ảnh hưởng toàn diện tới thị trường chứng khoán, gây nên rủi ro thanh khoản.
Do đó khi lựa chọn chứng khoán để đầu tư, ngân hàng hay các nhà đầu tư nên xem xét đến khả năng bán lại để bảo toàn nguồn vốn đầu tư ban đầu. Đây là cách để tránh rủi ro chứng khoán, phòng ngừa khả năng không bán lại được, hoặc bị mất giá khi bán.
Kết luận: Để hạn chế rủi ro thanh khoản chứng khoán, các nhà đầu tư nên tìm cách phân bổ nguồn vốn phù hợp.
Thanh khoản ngân hàng
Tính thanh khoản ngân hàng được xem như khả năng đáp ứng tức thời nhu cầu rút tiền gửi và giải ngân các khoản tín dụng đã cam kết.
Đối với thanh khoản ngân hàng, tùy thuộc vào đặc tính của nhu cầu mà thời gian thanh khoản sẽ là ngắn hạn hoặc dài hạn.
Thanh khoản ngắn hạn đang chiếm phần lớn, vì đây là các khoản tiền gửi giao dịch hay tiền gửi có kỳ hạn đến hạn, các công cụ huy động thuộc thị trường tiền tệ...
Vay dài hạn thường mang tính chất thời điểm, chu kỳ và do xu hướng tạo ra.
Dù là thanh khoản ngắn hạn hay dài hạn đều đòi hỏi ngân hàng có nguồn tiền dự phòng.
Tính thanh khoản ngân hàng chính là khả năng đáp ứng tức thời nhu cầu rút tiền gửi và giải ngân các khoản tín dụng đã cam kết.
Đặc điểm của thanh khoản ngân hàng
Thanh khoản ngân hàng mang những đặc điểm sau:
- Cung - cầu thanh khoản của một ngân hàng rất hiếm khi cân bằng với nhau tại một thời điểm cụ thể. Các ngân hàng phải thường xuyên đối mặt và giải quyết một trong hai trạng thái thanh khoản hoặc là thặng dư hoặc là thâm hụt.
- Khi càng nhiều nguồn vốn hơn được giữ lại để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh khoản thì khả năng tạo ra lợi nhuận của ngân hàng càng thấp hơn và ngược lại.
- Giải quyết vấn đề thanh khoản buộc các ngân hàng phải mất chi phí, chi phí thực tế và tiềm năng, bao gồm:
- Chi phí trả lãi các nguồn vốn vay mượn
- Chi phí giao dịch để tìm nguồn vốn
- Chi phí cơ hội dưới hình thức lợi nhuận tương lai mất đi do phải bán các tài sản sinh lợi.
Tiêu chí đánh giá khả năng thanh khoản của tổ chức tín dụng
Khả năng thanh khoản là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá xếp hạng tổ chức tín dụng (Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo Điều 11 Thông tư 52/2018/TT-NHNN quy định về xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành (có hiệu lực 01/04/2019), tiêu chí khả năng thanh khoản được đánh giá, cho điểm theo các nhóm chỉ tiêu sau đây:
“1. Nhóm chỉ tiêu định lượng:
a) Tỷ lệ tài sản có tính thanh khoản cao bình quân so với tổng tài sản bình quân;
b) Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn;
c) Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi;
d) Tỷ lệ tiền gửi của khách hàng có số dư tiền gửi lớn so với tổng tiền gửi.
2. Nhóm chỉ tiêu định tính:
a) Tuân thủ các quy định pháp luật về tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi;
b) Tuân thủ các quy định pháp luật về ban hành, rà soát, sửa đổi, bổ sung và báo cáo quy định nội bộ về quản lý thanh khoản và tuân thủ các quy định pháp luật khác về quản lý rủi ro thanh khoản.”
Nguồn cung cấp thanh khoản
Nguồn cung cấp thanh khoản cho ngân hàng đến từ:
- Các khoản tiền gửi nhận được
- Phí thu từ việc cung cấp các dịch vụ
- Các khoản tín dụng thu về
- Bán các tài sản đang kinh doanh và sử dụng
- Vay mượn từ thị trường tiền tệ
Nhu cầu tạo ra thanh khoản
Các hoạt động tạo ra nhu cầu về thanh khoản cho ngân hàng bao gồm:
- Khách hàng rút tiền từ các khoản tiền gửi
- Khách hàng đề nghị vay vốn
- Thanh toán các khoản phải trả khác
- Chi phí để tạo ra sản phẩm và dịch vụ ngân hàng
- Thanh toán cổ tức cho cổ đông
Rủi ro thanh khoản ngân hàng
Rủi ro thanh khoản là một rủi ro trong lĩnh vực tài chính. Rủi ro thanh khoản xảy ra khi ngân hàng thiếu ngân quỹ hoặc tài sản ngắn hạn mang tính khả thi để đáp ứng nhu cầu của người gửi tiền và người đi vay.
Thiếu ngân quỹ ở đây có thể được hiểu theo hai cách:
- Thiếu dự trữ tại ngân hàng.
- Không thể huy động nguồn vốn ngay lập tức.
Nội dung trọng tâm của rủi ro thanh khoản đã được quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 8 Thông tư 08/2017/TT- NHNN như sau:
“c) Rủi ro thanh khoản là rủi ro do:
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn; hoặc
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn nhưng phải trả chi phí cao để thực hiện nghĩa vụ đó.”
Hiểu đơn giản đây là loại rủi ro khi ngân hàng không có khả năng cung ứng đầy đủ lượng tiền mặt cho nhu cầu thanh khoản tức thời; Hoặc cung ứng đủ nhưng với chi phí cao.
Rủi ro này xuất hiện trong trường hợp ngân hàng thiếu khả năng chi trả do không chuyển đổi kịp các loại tài sản ra tiền mặt hoặc không thể vay mượn để đáp ứng yêu cầu của các hợp đồng thanh toán.
Ngân hàng vay mượn quá nhiều rồi mang đi đầu tư dẫn tới rủi ro thanh khoản
Nguyên nhân gây ra rủi ro thanh khoản
Nguyên nhân dẫn tới rủi ro thanh khoản thường do các yếu tố sau:
- Ngân hàng vay mượn quá nhiều các khoản tiền gửi, quỹ dự trữ từ các cá nhân và các tổ chức tài chính khác, rồi chuyển thành tài sản đầu tư có kỳ hạn. Từ đó dẫn tới tình trạng mất cân đối về thời hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn. Rất hiếm khi luồng tiền thu hồi được từ các khoản đầu tư cân bằng chính xác với luồng tiền đang chi ra để trang trải cho các nguồn vốn huy động trước đây.
- Sự thay đổi về lãi suất, nhất là các khoản tiền gửi, khi lãi suất tăng, một số người gửi tiền rút vốn ra khỏi ngân hàng để đầu tư vào nơi có tỷ suất sinh lợi cao hơn. Trong khi đó các khách hàng vay tiền có thể trì hoãn yêu cầu vay vốn và tích cực tiếp cận các khoản tín dụng có lãi suất thấp hơn. Như vậy, sự thay đổi lãi suất ảnh hưởng cả khách hàng gửi tiền và khách hàng vay tiền, cả hai đều tác động trạng thái thanh khoản của ngân hàng.
Sự thay đổi lãi suất còn ảnh hưởng đến giá trị thị trường các tài sản ngân hàng có thể đem bán để tăng thêm nguồn cung cấp thanh khoản đồng thời trực tiếp ảnh hưởng đến chi phí vay mượn trên thị trường tiền tệ.
Thiệt hại từ rủi ro thanh khoản
Khi bị mất tính thanh khoản các ngân hàng sẽ phải chịu các thiệt hại ở phạm vi vi mô như sau:
- Phải chạy đua huy động vốn để đảm bảo cung ứng tiền mặt cho nhu cầu thanh khoản dẫn đến phải huy động vốn với lãi suất cao. Kéo theo đó khi lãi suất huy động cao buộc lãi suất cấp tín dụng ẽ cao và khó cho vay.
- Khi ngân hàng phải trả lãi suất huy động nhưng lại không thể cho vay rõ ràng sẽ khiến ngân hàng sẽ bị lỗ.
- Ngân hàng mất tính thanh khoản không đáp ứng được nhu cầu rút tiền dẫn đến mất niềm tin của người gửi tiền (kể cả các giao dịch liên ngân hàng). Đồng thời ngân hàng cũng không đáp ứng được các nhu cầu giải ngân cho các khoản cấp tín dụng.
Ở phạm vi vĩ mô đối với nền kinh tế khi ngân hàng bị mất tính thanh khoản sẽ gây ra những ảnh hưởng liên quan đến vấn đề lạm phát, tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội… như sau:
- Ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư. Khi lãi suất tiền gửi tăng, nguồn tiền tập trung gửi vào ngân hàng làm cho nền kinh tế sẽ giảm kênh huy động vốn;
- Lãi suất cấp tín dụng cao làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, sẽ khiến đến giá cả tăng (lạm phát tăng), giảm quy mô đầu tư dẫn đến giảm tăng trưởng kinh tế;
- Khi giá cả tăng sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Khuyến nghị giải pháp quản lý rủi ro thanh khoản
Để nâng cao hiệu quả của chính sách quản lý rủi ro thanh khoản thì ngân hàng nhà nước và ngân hàng thương mại nên có những biện pháp thiết thực. Ví dụ như:
Đối với Ngân hàng nhà nước:
Cần hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ.
- Đối với các ngân hàng thương mại lớn, có nhiều giấy tờ có giá đủ tiêu chuẩn, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản thông qua nghiệp vụ thị trường mở.
- Đối với các ngân hàng thương mại nhỏ không đủ giấy tờ có giá hoặc không có khả năng cạnh tranh trên thị trường mở thì Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thông qua công cụ tái cấp vốn.
Việc hỗ trợ này rất ngắn hạn và các ngân hàng thương mại sẽ phải điều chỉnh lại cơ cấu nguồn và sử dụng nguồn cho phù hợp, hạn chế thấp nhất rủi ro thanh khoản.
Đối với các ngân hàng thương mại:
- Tuân thủ các quy định của Ngân hàng nhà nước về tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của Tổ chức tín dụng; Tránh chạy theo lợi nhuận bất chấp rủi ro
- Xem lại cơ cấu danh mục tài sản nợ, tài sản có cho phù hợp nhằm hạn chế rủi ro có thể xảy ra. Thực hiện cơ cấu lại nguồn vốn huy động và cho vay trên thị trường; Cơ cấu lại dư nợ cho vay ngắn hạn với cho vay trung hạn.
Phát hành giấy tờ có giá, điều chỉnh cơ cấu cho vay vào các lĩnh vực nhạy cảm và rủi ro nhiều như chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng. - Duy trì một tỷ lệ dự trữ (gồm tiền mặt trong ngân hàng, tiền gửi tại Ngân hàng Trung ương và các tài sản có tính lỏng cao khác). Cách này giúp đảm bảo duy trì dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Trung ương và để đối phó với các dòng tiền đi ra, giúp ngân hàng vừa đối phó với rủi ro thanh khoản vừa có thu nhập hợp lý.
- Hoàn thiện các quy định liên quan đến huy động vốn và cho vay theo lãi suất thị trường. Thường có tình trạng khách hàng gửi tiền rút tiền trước hạn khi lãi suất thị trường tăng hoặc khi đối thủ khác đưa ra lãi suất cao hơn. Thực tế có các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng đến hạn không chịu trả nợ họ lo trả xong sẽ khó vay lại ngân hàng. Họ chịu phạt lãi suất quá hạn vì so ra vẫn còn thấp hơn lãi suất cho vay mới. Điều này đã gây ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của ngân hàng.
- Quản lý tốt rủi ro về kỳ hạn: Sự không cân đối về kỳ hạn khiến ngân hàng gặp khó khăn trong thanh khoản. Ví dụ huy động trung, dài hạn hai năm nhưng cho vay trung hạn ba năm sẽ làm cho ngân hàng khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền ra và dòng tiền vào của mình.
- Thực hiện các biện pháp hạn chế rủi ro: Các ngân hàng quan tâm hơn tới thị trường tiền tệ phái sinh để quản lý tốt hơn tài sản nợ, tài sản có của mình. Sử dụng các công cụ hiệu quả như Thị trường REPO là giúp ích trong việc tạo ra tính lỏng cao cho các chứng khoán nợ và cơ cấu tài sản có để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhanh chóng. Công cụ Forward (hợp đồng kỳ hạn) và Future (hợp đồng tương lai) - là những công cụ tài chính phái sinh để cầm giữ lãi suất giao dịch hạn chế rủi ro khi lãi suất thị trường biến động. Công cụ SWAP (hoán đổi) là giúp các ngân hàng có thể cơ cấu lại tài sản nợ, tài sản có trên bảng cân đối tài sản của mình, hạn chế các tác động của rủi ro lãi suất. rủi ro kỳ hạn.
Nhìn chung thanh khoản và quản lý thanh khoản đòi hỏi nhà quản trị, phân tích phải thực sự cẩn trọng giữa cung cầu, nếu không nắm rõ được bản chất vấn để, mất thanh khoản sẽ gây ra những thiệt hại tài chính vô cùng nặng nề.
Tất cả những nội dung nêu trên hy vọng giúp bạn hiểu được thanh khoản là gì và tính thanh khoản được hiểu như thế nào. Đồng thời các thông tin cơ bản về các loại thanh khoản chứng khoán và ngân hàng sẽ mang tới cho bạn những giá trị hữu ích.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất